Từ xa xưa Chí Linh đã nổi tiếng là có nhiều bậc tiên hiền, danh sỹ. Theo "Chí Linh Phong vật chí" từ thời Lý, Trần, Lê đến thời Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn, Chí Linh có tới 56 người đỗ tiến sĩ xuất thân từ nông dân được phong các chức vị cao trong triều đình. Tiêu biểu như: Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quang, tiến sĩ thời Lý, làm quan đến chức thượng thư; Mạc Đĩnh Chi, tiến sĩ thời Trần, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, được phong "Lưỡng quốc Trạng Nguyên".
Địa danh Chí Linh gắn với tên tuổi của các nhân vật lịch sử và anh hùng dân tộc sau:
- Thiền sư Pháp Loa: ông có tục danh là Đồng Kiên Cương, là người thuộc hương Cửu La, huyện Nam Sách. Năm 1304 ông xuất gia theo Điều Ngự Trần Nhân Tông tu hành tại chùa Yên Tử và trở thành người kế thừa của Thiền phái Trúc Lâm. Năm 1329, ông cho xây dựng hai ngôi chùa là Thanh Mai và Côn Sơn. Ngày 03/3/1330, ông viên tịch tại chùa Quỳnh Lâm, sau theo di chúc của ông, các phật tử đã đưa pháp thể của ông về nhập tháp tại chùa Thanh Mai, Chí Linh. Cảm mến công đức của ông, vua Anh Tông sắc phong danh hiệu Đại Tuệ Tịnh Tri Đức thiền sư, tên tháp là Viên Thông bảo tháp.
- Trần Hưng Đạo: Đóng đại bản doanh tại Vạn Kiếp. Những năm cuối đời ông sống ở Vạn Kiếp và mất tại đây.
- Nguyễn Thị Duệ: Nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.
- Trần Nguyên Đán: Đại tư đồ triều Trần, là ông ngoại của Nguyễn Trãi. Ông ở ẩn tại Chi Ngái, Chí Linh.
- Nguyễn Trãi: Thuở nhỏ sinh sống ở Chí Linh. Sau này, nhiều năm ông ở ẩn tại chùa Côn Sơn, Chí Linh.
- Chu Văn An: Mở trường dạy học trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An (ngày nay), Chí Linh.